20 năm!
20 năm kể từ ngày vở diễn ra mắt công chúng ghi dấu ấn đậm nét cho thế hệ 5x,6x,7x và đầu 8!
20 năm sánh cùng 'Lá Sầu Riêng' để trở thành hai tác phẩm tiêu biểu cho nền thoại kịch miền Nam!
20 năm cho khán thính giả khóc cười!
20 năm sưởi ấm lòng những người xa xứ!
Bản dựng mới của IDECAF với sự thay mới 3/4 vai diễn, nhưng cái thần thái, ý tứ của vở kịch, cái chất mộc mạc dung dị và thông điệp truyền tải vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Đã có nhiều nghệ sĩ vào vai ông Tư, cũng có không ít sự so sánh giữa ông Tư này với ông Tư kia. Mình cũng đã xem hết các ông Tư. Nhưng chỉ có ông Tư Thành Lộc mới toát lên được hình ảnh, phong phạm của người tài tử Nam Bộ, cái thần ấy các ông Tư khác không có. Đoạn ca Dạ Cổ Hoài Lang của 'phù thủy sân khấu' nghe thật mênh mang hào sảng, nhưng lại rất tình cảm da diết thể hiện nỗi niềm trăn trở của người xa quê, đến đoạn 'trở lại gia đàng ..cho én nhạn hiệp đôi' thì mình ngó nghiêng xung quanh để thấy bao giọt nước mắt lã chã của cả khán phòng thinh lặng, mình không tự làm phân tâm ngó nghiêng như vậy, thì chắc hẳn mình đã không cầm được nước mắt.
Ông Năm Hữu Châu có nét rất duyên, chơn chất của người Nam Bộ. Vai già vốn là sở trường của Hữu Châu và anh tung hứng với người bạn diễn lâu năm Thành Lộc một cách điêu luyện nhưng rất tưng tửng theo kiểu 'mấy ông già Nam Bộ cà tàng' . Ít đi cái kiểu nhếch mép đặc trưng và cái chất 'tỉnh như ruồi' của nghệ sĩ Việt Anh, Ông Năm của nghệ sĩ Hữu Châu lại mạnh mẽ hơn, bỗ bã hơn, sẵn sàng lớn tiếng chửi thề khi thấy chướng tai gai mắt. Ông Năm này sẵn sàng mày tao và máu ghen nhiều hơn. Mình gọi ông Năm Hữu Châu là ông Năm Ba Gai còn ông Năm Việt Anh là ông Năm Phớt Tỉnh Nam Bộ. Phân đoạn hai ông già bạc đầu nhớ về kỷ niệm mối tình cũ, ghen tuông, chửi bới chọc ngoáy nhau, tuổi thơ của lứa 5x,6x,7x và đầu 8x bỗng lùa về trên cái không gian lộng mát của miền quê. Các thế hệ sau khó cảm nhận được điều này nên có thể sẽ thấy diễn hơi quá, thậm chí lố. Nhưng mình thì nhớ lắm, nhớ cái trò 'chọi lựu đạn' giữa khung cảnh rặng dừa, con rạch, bụi tre, đứa nào mà không bươu đầu lỗ trán. Lúc xem đến đoạn ấy mình bất giác sờ tay lên cái sẹo trên trán, nhớ đến 'kẻ thù' ngày xưa, giờ thì đôi ngã cách biệt, người lênh đênh phương nào, hay đã thành thiên cổ cũng không biết. Chỉ dừng lại ở chỗ 'vượt biên'.
Hai diễn viên còn lại là Lương Thế Thành và Vân Trang vào tròn vai, đài từ là điều mình hơi lo cho các bạn diễn trẻ, chỉ cần không nhấn nhá vài chỗ quan trọng thì câu thoại sẽ mất đi hẳn giá trị. Diễm phúc sao những câu thoại đã nằm lòng biết bao thế hệ được các bạn truyền tải mạch lạc và toàn vẹn cảm xúc. Một bước son trong sự nghiệp còn đang rất mở rộng trước mắt của hai bạn trẻ, đầy tài năng.
Gần 3 giờ đồng hồ mà sao ngắn ngủi quá, cô đọng quá! Những tràng pháo tay như bất tận của khán giả là sự tưởng thưởng xứng đáng, là thành quả mỹ mãn dành cho người nghệ sĩ.
Âm thầm từ hàng ghế khán giả, Kỳ Nữ Kim Cương không che giấu những giọt nước mắt đong đầy cảm xúc.
Cô Diệu nhìn về ông Tư.
Đêm Sài Gòn tự nhiên ấm áp biết bao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét